BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 3
Giới thiệu cuốn sách: ĐỘI THIẾU NIÊN DU KÍCH ĐÌNH BẢNG
Kính thưa quý thầy cô và thưa toàn thể các em học sinh thân yêu!
Cuốn sách “Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng” là câu chuyện kể về vùng ngoại vi Hà Nội xưa, trong những năm giặc Pháp chiếm đóng. Với lối viết chân thực và giàu cảm xúc, tác giả đã đưa người đọc về với không khí chống giặc giải phóng quê hương đất nước của dân tộc nói chung và của quê hương Đình Bảng nói riêng. Trong đó có những gương mặt quả cảm của các đội viên như: Hoan, Phát, Tâm, Dìn hiện lên thật gần gũi và cao đẹp. Tác phẩm kể lại những ngày tháng hoạt động sôi nổi của những "du kích tí hon" làng Đình Bảng. Qua lăng kính của nhà văn, từng câu chuyện, từng đứa trẻ với hoàn cảnh và tính cách khác nhau hiện ra một cách gần gũi, chân thật, can đảm và khéo léo: là Phát bộc trực nhưng gan dạ; là cậu bé Thạo kiên cường anh dũng với nhiệm vụ điệp viên đầy thách thức; là cô bé Thư bán hàng nước khôn ngoan, lanh lợi,...Dù nhỏ tuổi nhưng các thiếu niên Đình Bảng đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn. Bằng sự mưu trí và dũng cảm, các đội viên đã giúp du kích cất giấu vũ khí ngay trong lòng địch cùng các anh cho nổ mìn phá tung Câu lạc bộ. Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng ngày đó được giao nhiệm vụ thâm nhập vào những nơi địch chiếm đóng để lấy thông tin, nắm tình hình địch rồi thông báo cho lực lượng của ta. Qua từng trang sách, bạn đọc cảm nhận được không khí, khung cảnh của một làng quê Bắc Bộ giữa thời kháng chiến. Từ bờ ruộng, lũy tre, mái đình, cầu ao, mảnh vườn vắng đến những trò chơi, việc làm, vật dụng bé nhỏ hàng ngày của những đứa trẻ xóm quê đều trở thành "mật mã" truyền tin của đội du kích nhí. Mỗi hình ảnh, hoạt động đều được tái hiện chi tiết, rõ ràng qua từng con chữ.
Trong đội du kích thiếu niên ấy, nổi bật nhất là đội trưởng Nguyễn Thạc Hoàn ở Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh). Sinh năm 1935, ở vùng quê bị địch chiếm đóng, có lòng yêu nước nồng nàn và sớm được giác ngộ, mới 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Thạc Hoàn đã tham gia vào đội liên lạc của du kích xã. Đến năm 14 tuổi đã trở thành đội viên Đội thiếu niên du kích Đình Bảng. Những ngày đầu, Hoàn vào đồn lân la làm quen và giặt hộ quần áo cho một sỹ quan Pháp tên Sác-lơ. Khi đã quen, Hoàn làm đủ mọi việc như: Dọn dẹp, nấu ăn, bê nước trong các hội nghị cho chúng. Vì vậy, Hoàn đã lấy được rất nhiều thông tin quý giá cho cách mạng. Mưu trí, dũng cảm, Hoàn lập được những chiến công hiển hách.
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, các đội viên nhỏ tuổi đã anh dũng tham gia kháng chiến và dành được nhiều chiến công vang dội: xâm nhập vào đồn bốt của giặc bí mật lấy được hàng chục tấn đạn, 13 khẩu súng các loại, 1 máy thông tin bộ đàm, 250 hòm ắc quy điện đài, 10 gánh dây điện, 200m vải bạt, 300 lít dầu mỡ, 10.000 quả lựu đạn; dùng axít phá hủy 3 đại bác, 1 súng cối, 8 đại liên, 1 trung liên của địch; rải 250 tờ truyền đơn tuyên truyền kháng chiến; 8 lần dẫn đường bảo vệ và giải thoát cho 42 cán bộ chiến sĩ của ta thoát khỏi trại tù của địch; vận động 115 lính ngụy bỏ hàng ngũ giặc trở về với cách mạng; phối hợp với du kích tiêu diệt 15 tên địch (trong đó có 2 sĩ quan), làm bị thương 17 tên và bắt sống được 1 lính lê dương. Đặc biệt là chiến công cắt phá dây dẫn nổ, cứu nhà dân và làng Đình Bảng vào cuối tháng 4/1954.
Không ám ảnh day dứt và lấy đi nhiều nước mắt như "Tuổi thơ dữ dội" của nhà văn Phùng Quán nhưng "Đội thiếu niên du kích Đình Bảng" cũng khiến bạn đọc hồi hộp, lo lắng khi các thiếu niên trong đội bị truy đuổi, phải đối mặt với kẻ thù và sau đó thở phào vui sướng vì sự thông minh, can đảm của các bạn cuối cùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cũng có lúc nhói lòng, thắt tim vì một bạn hy sinh lúc vừa mới trở về đội sau bao ngày hoạt động trong lòng địch vốn bị hiểu nhầm là "phản bội, theo Tây",... Kết truyện không buồn thảm, bi thương mà vui vẻ, tươi sáng, một cái kết có hậu giống hệt như truyện cổ tích với hình ảnh bạn đội trưởng Nguyễn Thạc Hoan được đi dự Đại hội toàn quốc, được gặp Bác Hồ và được đứng trong hàng ngũ bộ đội sau đó trở về làng trong niềm vui của gia đình và bè bạn.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đội đã phát triển thêm 43 đội viên mới, hăng hái tham gia học tập, sản xuất cùng nhân dân Đình Bảng xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hầu hết các đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng đều hăng hái lên đường nhập ngũ, dũng cảm chiến đấu trên các chiến trường và lập nhiều chiến công. Hòa bình thống nhất, các đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng năm xưa lại tích cực học tập, rèn luyện, trưởng thành trong công tác và cuộc sống, song vẫn giữ vững phẩm chất tiên phong cách mạng, tích cực đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Với những thành tích nổi bật, Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng vinh dự được Bác Hồ khen ngợi năm 1952, Chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất; Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc tặng lá cờ “Thiếu niên anh dũng” năm 1955; Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới tặng cờ “Tuổi trẻ vì hòa bình” năm 1956; Đội Thiêu niên tiền phong các nước tặng cờ “Vì tình đoàn kết, hữu nghị, hòa bình”, Hội đồng Trung ương Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tặng lá cờ “Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng sáng mãi trong lịch sử đội ta” năm 1999; nhiều đội viên của đội được tặng thưởng Huân Huy chương và nhiều danh hiệu cao quý khác. Năm 2009, Đội được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Kính thưa quý thầy cô và thưa toàn thể các em học sinh thân yêu!
Không dừng lại ở đó, nhiều năm qua, các cựu đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng đã trở thành những nhân chứng sống, trực tiếp tham gia vào việc viết tiếp bản hùng ca của Đội bằng những việc làm thiết thực như: tổ chức các buổi nói chuyện với các thế hệ thiếu nhi Bắc Ninh và thiếu nhi cả nước về truyền thống yêu nước cách mạng của quê hương Bắc Ninh, về lịch sử của Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng; chia sẻ với các bạn học sinh về những cách học hay, cách làm việc có ích cho xã hội như giúp đỡ bạn bè, thầy cô giáo, người thân và những người xung quanh để cùng nhau vươn lên trong học tập;
Sau khi trở về từ chiến trường, đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng tự học tập, rèn luyện, trưởng thành trong công việc và cuộc sống, dù đảm nhiệm công việc ở nhiều vị trí khác nhau song vẫn giữ vững tinh thần cách mạng của Đội, trong đó phải kể đến tấm gương đội viên Nguyễn Đức Thìn. Sau khi trở về quê hương, đội viên Thìn trở thành thầy giáo dạy học tại trường trung học cơ sở Tam Sơn (Nay thuộc xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1963, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, khi ấy là Tổng Phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong của trường đã có sáng kiến phát động phong trào "Nghìn việc tốt” thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Sau đó, “Nghìn việc tốt” đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi của tuổi trẻ cả nước, được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và nhân dân khen ngợi, khuyến khích phát triển.
Bằng những cống hiến của mình cho sự nghiệp giáo dục, thầy Thìn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985 và Nhà giáo Nhân dân năm 1988. Bước sang tuổi 80, người đội viên năm xưa vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, miệt mài sáng tạo văn học nghệ thuật, xuất bản hàng chục đầu sách gồm các truyện, ký, thơ,... được bạn đọc đánh giá cao.
Đã 73 năm thành lập Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng (1949-2022), các đội viên nay đã bước vào lứa tuổi xưa nay hiếm, song kỷ niệm về những ngày tháng chiến đấu, theo chân cha anh đánh giặc, giữ làng, giữ nước vẫn vẹn nguyên trong ký ức mỗi người.
Các em học sinh yêu quý!
Cô mong muốn rằng sau khi đọc cuốn sách này, các em sẽ càng kính yêu và tôn trọng hơn đối với các anh bộ đội Cụ Hồ cũng như hình tượng người chiến sĩ cách mạng Việt Nam, những người đã hy sinh máu xương cho độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc hôm nay và là động lực thúc đẩy các thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, noi gương cha anh đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước. Cuốn sách hiện đang có tại thư viện nhà trường, rất mong quý thầy cô và các em hãy tìm đọc nhé. SĐKCB: SKĐ-00477
Hà Thanh, tháng 3 năm 2023
XÁC NHẬN DUYỆT CỦA BGH PHỤ TRÁCH THƯ VIỆN
Hoàng Văn Kiền Vũ Thị Hường