BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11
Giới thiệu cuốn sách: NHỮNG NGƯỜI THẦY
Các em thân mến! Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta được ghi bằng những trang sử vàng chói lọi. Đó là điều không thể phủ nhận – Đó là điều khiến cho chúng ta tự hào! Trong thành quả đó, ta tự hào vì đã có công lao không nhỏ của các thế hệ nhà giáo nước nhà – những người làm rạng rỡ cho nền văn hiến Việt Nam!
Nhân dịp kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, cô xin giới thiệu với các em cuốn sách với tựa đề “NHỮNG NGƯỜI THẦY” của tác giả Nguyễn Hải. Hiện có tại thư viện trường ta với SĐKCB: STKC – 00200.
Đọc “Những người thầy” của Nguyễn Hải, ta như được trở về quá khứ, bước từng bước đến hiện tại. Ở đấy, ta được nhìn ngắm chân dung của những con người vĩ đại, đa tài, những người đã dành cả cuộc đời mình gắn liền với con chữ. Họ là những ông đồ trong quá khứ xa xưa, là những người thầy của thời hiện đại, nhưng đều cùng chung chí hướng là làm sao ươm được những mầm non tốt nhất, truyền thụ những kiến thức hay nhất để những thế hệ mai sau có thể làm rạng danh cho nước nhà.
Cuốn sách được chia làm 2 phần:
Phần 1: Có tựa đề: “Thời cựu học” viết về các nhà giáo: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu....
Phần 2: Có tựa đề: “Thời tân học” viết về các nhà giáo: Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Khánh Toàn....
Để các em dễ nhớ tên tuổi của những người thầy nổi danh này, xin kể một vài điểm nổi bật mà nhiều bài viết cũng như sử sách đã ghi.Nhắc đến Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm ta nhớ đến những con người thông kinh, bác sử nhưng tính tình lại ngay thẳng, cương trực, từng dâng sớ xin vua chém những kẻ nịnh thần và khi không được chấp nhận đã từ quan về ở ẩn. Chu Văn An có nhiều học trò thành đạt,làm quan to trong triều nhưng vào các ngày lễ vẫn không quên về thăm thầy,được thầy cho phép và trò chuyện thì lấy làm mừng lắm.Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có học trò xuất sắc đã để lại cho đời một áng thiên cổ hùng bút đó là Nguyễn Dữ với tác phẩm:”Truyền kỳ mạn lục”
Lê Quý Đôn nổi tiếng thần đồng ngay từ bé, có tài ứng đối với người lớn và các một bài thơ khiến ta đọc lên cũng phải thán phục vô cùng đó là bài:”Rắn đầu cứng cổ”(Bài này ông làm khi ông mới 6-7 tuổi,làm thơ để khỏi bị đòn vì tội trêu người lớn)
Cao Bá Quát với giai thoại kiên trì rèn chữ viết…
Các em thân mến! Đất nước Việt Nam thật đáng tự hào khi có những người thầy ưu tú phải không các em?
Trong sự nghiệp cách mạng của nước nhà, có những người thầy cao cả nhưng cũng vì cách mạng mà tạm xa bục giảng để làm những nhiệm vụ khác nhau. Bác Hồ kính yêu của chúng ta trước lúc ra nước ngoài tìm đường cứu nước cũng đã có thời kỳ làm thầy giáo. Đó là thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy tại trường Dục Thanh-Phan Thiết.
Có nhà giáo đi theo cách mạng ngay từ lúc cách mạng còn trong trứng nước sau này trở thành những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta như: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu…
Truyền thống vẻ vang của giáo gưới Việt Nam còn được tô thắm bằng chính máu đào của các nhà giáo cách mạng. Trong 6 đồng chí lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị Pháp bắt và kết án tử hinh thì có tới 4 đồng chí là nhà giáo,đó là 4 đồng chí :Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần và Nguyễn Hữu Tiến.
Ngày cách mạng Tháng 8 bùng nổ, các nhà giáo tên tuổi đều đứng về phía cách mạng và nhiều người đã làm rạng danh cho giáo giới nước nhà – Họ là những tri thức cách mạng sẵn sàng chung lưng đấu cật với đất nước sớm đưa dân tộc ta từ 95% dân số mù chữ đến hơn 90% số người biết chữ, trở thành 1 dân tộc thông thái sớm sánh vai với 5 châu 4 biển như ngày nay.
Trong kháng chiến chống Mĩ, lực lượng giáo viên miền Bắc đã góp bao xương máu, trí tuệ của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, Hàng nghìn giáo viên đã tạm xa mái trường, xa đàn em nhỏ, xa người thân yêu nhất để vào chi viện cho Miền Nam. Họ là những nhà giáo, những chiến sĩ vừa cầm bút vừa cầm súng. Nhiều nhà giáo đã ngã xuống tại các chiến trường Miền Nam – Sự hi sinh của họ đã tô thắm thêm truyền thống của nền giáo dục nước nhà. Ỏ Miền Nam thời kỳ này có không ít nhà giáo đã giương cao ngọn cờ yêu nước chống Mĩ, đòi hòa bình, đòi công lý tham gia trực tiếp vào cuộc chiến của nhân dân như nhà giáo Hoàng Lệ Kha ở Gia Định.
Sinh thời Bác Hồ đã dạy:”…Người thầy giáo tốt…dù tên tuổi không được đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo luôn là những người anh hùng vô danh”. Câu nói xưa của Bác như một món quà vô giá dành tặng cho những thầy cô giáo bởi quả thật, trong sự hình thành nhân cách của một con người để có thể là nhân tài của đất nước thì không thể không kể đến công lao của người thầy.
Còn các em, đã có bao giờ các em tự nghĩ: trong sự trưởng thành của mình hôm nay và cả sau này có công lao của các thầy cô dù công lao đó chỉ bằng hạt cát?
Cuốn sách “NHỮNG NGƯỜI THẦY” là món quà không chỉ dành cho thầy cô mà còn cho các em nữa đó. Hãy đón nhận nó bằng tình cảm chân thành của mình như các em đã từng dành tình cảm cho các thầy các cô nhé!
Hà Thanh, tháng 11 năm 2022
XÁC NHẬN DUYỆT CỦA BGH PHỤ TRÁCH THƯ VIỆN